0888 032 333

Trà Trong Nghệ Thuật Và Nghi Lễ – Phần 1

Hoạt động ẩm thực của con người là cả một bầu trời nghệ thuật. Chuyện uống trà thành tục dừng lại ở ý nghĩa phổ biến như là một thói quen lan rộng thì không có gì để nói. Trà từ khi còn là một cái cây trong vườn đến khi hòa vào chén nước, rồi đưa lên môi con người phải trải qua một quá trình tốn không biết bao nhiêu công sức, tài hoa và trí tuệ. Mỗi một công đoạn đều có phương pháp, có quy tắc, đều thành “phép”, thành “lễ” và có điệu nghệ của nó. 

Nghệ thuật pha trà đã được hình thành từ rất lâu. Đinh Dĩ Thọ trong bài viết Tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của phương pháp uống trà Trung Quốc đã đúc kết pháp uống trà có bốn loại: chử, tiễn, điểm, phao. Trên cơ sở đó, hình thành “trà nghệ” gồm “chử trà pháp”, “tiễn trà pháp”, “điểm trà pháp”, “phao trà pháp”. Lại trên cơ sở trà nghệ, phát sinh các hình thức “tiễn trà đạo” “điểm trà đạo” “bào trà đạo”. Ông chia lịch sử uống trà thành bốn thời kỳ: Thời Hán Ngụy Lục triều, thời Tùy Đường, thời Ngũ Đại Tống và thời Nguyên Minh Thanh. Mỗi thời kỳ có đặc sắc riêng về hình thức, phương pháp uống trà. 

Thời Hán Ngụy Lục triều, nghệ thuật chủ yếu là “chử trà pháp”, nấu trà trong cái vạc (cái đỉnh) hoặc cái nồi, sau đó cho vào chén uống. Đến thời Tùy Đường, vẫn giữ “chử trà pháp” lại xuất hiện thêm hai phương pháp là “tiễn trà pháp” và “phao trà pháp”. Thành phẩm trà bấy giờ có bốn loại là thô, tán, mạc và bánh. Dù là loại nào thì công đoạn cuối cùng cũng là cho trà vào bình hoặc vò (làm bằng đất nung, miệng nhỏ, bụng to) sau đó chế nước sôi vào, đậy nắp lại. Cách làm này gọi là “phao trà pháp”, cách pha trà này phổ biến trong dân gian. “Tiễn trà pháp” cũng là phương pháp nấu trà (“tiễn” gần nghĩa với “chử”), nhưng cách làm cụ thể thì khác  nhau, công phu hơn rất nhiều. 

Các công đoạn của “tiễn trà pháp” đại thể gồm chuẩn bị sẵn nguyên liệu, nướng bánh trà, nghiền lọc, chọn nước, lấy nước, cạnh độ lửa nấu nước, nấu trà, rót trà, uống trà. Mỗi công đoạn được thực hiện một cách nghiêm túc và cẩn trọng, công phu. Như trong trà kinh từng mô tả sự kén chọn thời tiết của việc hái trà “vào ngày có mưa không hái, trời quang nhiều mây cũng không hái. Trời tạnh ráo thì hái”. Kén chọn loại nước dùng đun trà “nước đun trà thì thứ nước trên núi là thượng đẳng, nước sông là trung đẳng, nước giếng là hạ đẳng”. Nước trên núi thì chọn lấy dòng chảy êm nơi đìa đá, suối nhũ là tốt nhất, còn thứ nước tuôn ra từ thác ghềnh xoáy thì chớ có lấy”.

Thời Ngũ Đại và Tống tiếp tục kế thừa các pháp pha trà của thời trước, lại xuất hiện nghệ thuật mới đó là “điểm trà pháp” càng tinh tế hơn, tỉ mỉ hơn, kỳ công hơn, đặc biệt thịnh hành ở tầng lớp văn nhân, sĩ đại phu trong xã hội, thực sự trở thành một loại hình nghệ thuật cần khéo léo và trí tuệ. Các công đoạn của “điểm trà pháp” đại thể gốm chuẩn bị nguyên liệu, rửa trà, nướng trà, nghiền lọc, chọn nước, lấy nước, canh độ lửa nấu nước, tráng chén (bằng nước sôi), điểm trà, thưởng thức trà. Mỗi công đoạn đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế, kỹ thuật cao, đặc biệt là công đoạn “điểm trà” – múc trà vào chén, lấy nước sôi tưới lên làm xuất hiện hoa sữa. 

Yêu cầu của riêng công đoạn này đã rất cao, chỉ nói về màu sắc đã phân hạng thức bậc, màu bề mặt sau khi điểm trà là màu trắng thuần khiết thì mới là bậc thượng, trắng xanh là bậc thứ, nếu ngả sang trắng xám hay trắng vàng thì liệt vào trà hạng kém. Cùng với sự hoàn thiện dần của nghệ thuật dùng trà, tục “đấu trà” cũng xuất hiện là thú chơi tao nhã của lớp văn nhân trong xã hội. “Điểm trà pháp” có từ thời vãn Đường và thịnh hành thời Tống. Trong quyển Bạch Trượng thanh quy (ghi chép những quy tắc do thiền sư Bạch Trượng thiết lập cho hoạt động, cuộc sống trong viện), những quy tắc liên quan đến trà chính là đề cập đến hai loại nghệ thuật “tiễn” và “điểm” này. 

Với các phương pháp này, một trong những điều người ta quan tâm đó là độ nhuyễn của mạc trà, các lọc trà do Pháp môn tự khai quật được mô tả là dày khít. Thời Nguyên Minh Thanh, chủng loại trà ngày càng phong phú, “phao trà pháp” trở lại thịnh hành, và ở mức độ thành thục, hoàn thiện hơn. Các công đoạn của “phao trà pháp” đại thể gồm chuẩn bị nguyên liệu, chọn nước, nhóm lửa, canh độ lửa nấu nước, pha trà, rót trà, và thưởng thức trà. Điểm nhấn của nghệ thuật này ở chỗ pha trà, cách để trà vào ấm, lượng nước, chọn ấm, chọn màu chén trà. 

Xem thêm tất cả các sản phẩm tại đây: